Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tặng token lạ trị giá hàng nghìn USD

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tặng token lạ trị giá hàng nghìn USD

Nếu bỗng một ngày đẹp trời bạn được ai đó tặng token lạ trị giá hàng nghìn USD thì đó chắc chắn là lừa đảo.

ĐT, một nhà đầu tư Crypto ở Việt Nam, đã mất hết số token trong ví trong một lần nhận được token lạ.

Chuyện là vào một ngày thấy token lạ trong ví, ĐT tưởng ai đó gửi nhầm, anh liền thử swap sang một đồng tiền khác thì thấy giá trị lên tới 10.000 USD.

Nhưng để giao dịch, anh cần phải vào website của nhà phát triển token đó và cấp quyền truy cập ví. Nhưng sau khi thực hiện đủ các yêu cầu trên, tất cả số token trong ví của anh bỗng dưng “không cánh mà bay”.

“Sau khi cấp quyền truy cập ví, toàn bộ số token trong ví của tôi bị chuyển đi”, ĐT chia sẻ.

Shegen – một nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm trong thị trường tiền số – đã lên tiếng cảnh báo về chiêu trò lừa đảo “tặng token lạ”.

Shegen nói rằng cô cũng đã từng được ai đó tặng số token lạ trị giá 30.000 USD, số token này tên là “A68****”, mặc dù giá trị lớn nhưng cô không thể giao dịch trên sàn DEX thông thường mà phải vào website của token đó để giao dịch.

Sau khi vào website của token lạ này để swap, cô được yêu cầu cấp quyền truy cập ví MetaMask, thấy điều đáng ngờ cô từ chối cấp quyền.

“Giao diện website đó giống y hệt giao diện của một sàn DEX thông thường. Họ sẽ yêu cầu bạn cấp quyền truy cập ví để có thể swap token. Lúc đó nếu tôi chấp nhận, kẻ lừa đảo đã có thể di chuyển token trong ví của tôi”.

Việc airdrop token là một hình thức phổ biến trong giới đầu tư tiền số, nó được các nhà phát triển sử dụng để thưởng cho những người dùng ủng hộ và trải nghiệm dự án từ sớm.

Tuy nhiên, qua thời gian, hình thức này bị lạm dụng thành những trò lừa đảo.

“Nếu bỗng nhiên bạn thấy một loại token không rõ nguồn gốc trong ví mà giá trị của nó lên tới hàng nghìn USD…thì đó chắc chắn là lừa đảo. Tuyệt đối đừng động vào số token đó nếu bạn không muốn tiền của mình trong ví bị rút sạch”, nhà giao dịch Kyle Shawn nói.

Đồng sáng lập công ty phân tích blockchain Elliptic, Tom Robinson, cũng cảnh báo: “Những token lừa đảo thường có tên như một website, điều này là để dụ dỗ nạn nhân truy cập vào website đó để tìm hiểu, và khi vào website nạn nhân sẽ nhận được thông báo yêu cầu cấp quyền truy cập ví để bán token”.

Theo Robinson, tốt nhất là hãy mặc kệ số token lạ đó và hãy xem nó như vô hình. Ông cũng khuyên các nhà đầu tư hay săn airdrop thì nên tạo cho mình nhiều ví khác nhau, ví dùng để chơi airdrop và ví chính chỉ dùng để lưu trữ token.


Có thể bạn quan tâm:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM