Nếu bạn đã từng nghe tới mức lãi suất khủng lên tới hàng trăm thậm chí hàng nghìn phần trăm một năm khi cung cấp thanh khoản trên các sàn AMM như Uniswap hay PancakeSwap, thì chắc hẳn bạn sẽ cho rằng đây là một miếng bánh béo bở để có thể kiếm lợi từ thị trường cryptocurrency.
Thực tế liệu có phải như vậy, việc hưởng lãi suất hàng trăm phần trăm một năm đó có phải là phi rủi ro? Trong bài viết này, Kevin và các bạn sẽ cùng nhau tìm hiểu về Impermanent Loss để từ đó hiểu rõ hơn về những rủi ro mà mình có thể gặp phải nhé.
Impermanent loss là gì?
Impermanent loss (tạm dịch: Tổn thất vô thường) là những khoản lỗ tạm thời của những liquidity providers khi tham gia đóng góp thanh khoản trên các sàn AMM.
Khoản lỗ này miêu tả sự chênh lệch giá trị của cùng một loại token giữa việc mang ra cung cấp thanh khoản và việc không cung cấp thanh khoản.
Lý do xuất hiện Impermanent Loss
Trước khi tìm hiểu về Impermanent Loss, chúng ta phải hiểu về cơ chế hoạt động của các sàn phi tập trung AMM như: Uniswap, PancakeSwap,… Trên thực tế, để có thể hoạt động một cách trơn tru thì các sàn giao dịch này phải có sẵn một lượng token đủ lớn để có thể giúp mọi người có thể mua đi bán lại một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, bởi vì đây là các sàn phi tập trung, thế nên mọi thứ sẽ đều do cộng đồng đóng góp và phát triển. Không ai cho không ai cái gì, thế nên có thể khuyến khích người dùng tham gia cung cấp thanh khoản trên các sàn này, các nhà phát triển sẽ tặng thưởng token của dự án nhằm mục đích khích lệ người dùng tham gia (chẳng hạn token UNI, CAKE,…).
Đọc thêm: Uniswap Token (UNI) là gì? Kiến thức về tiền điện tử UNI
Như đã nói ở trên, các sàn giao dịch phi tập trung thường cho ra mắt rất nhiều sự kiện có phần trăm lợi nhuận cao, có thời điểm có thể lên tới hàng nghìn phần trăm một năm. Nhưng để có đủ điều kiện tham gia để hưởng lợi nhuận, mọi buộc phải thế chấp một cặp đồng coin nào đó (ví dụ ETH-BNB hay ETH-BTC).
Thị trường tiền điện tử thường có sự biến động rất mạnh, vì vậy giá cả của những đồng token trong pool mà anh em từ đó cũng sẽ thay đổi theo để phù hợp với sự biến động đó. Và bây giờ, impermanent loss bắt đầu xuất hiện.
Ví dụ minh họa
Giả sử, anh A và anh B đang sở hữu một lượng USDT và ETH bằng nhau: 1.000 USDT và 2 ETH giá 500 USDT.
Sau đó, anh A quyết định sử dụng số lượng USDT và ETH của mình để tham gia cung cấp thanh khoản trên Uniswap để hưởng lợi tức, trong khi anh B quyết định vẫn nguyên tài sản của mình.
Với giá hiện tại của 1 ETH là 500 USDT, nếu A muốn sử dụng toàn bộ số tiền của mình để tham gia cung cấp thanh khoản cho cặp ETH-USDT thì sẽ phải bỏ ra toàn bộ 1,000 USDT tương ứng với 2 ETH.
Trong tương lai, chắc chắn giá của ETH sẽ dao động (có thể lên hoặc xuống), và giá của USDT không đổi vì đây là stablecoin.
Hiện tại đa số các sàn AMM như Uniswap hay Pancakeswap trên thị trường nói chung đều không có order book.
Trên thực tế, điều quyết định giá của các loại tài sản trong pool là tỷ lệ của chúng và được hoạt động dựa trên công thức x * y = k (trong đó x, y là biến số, tương ứng với số lượng của ETH và USDT có trong pool và k là hằng số không đổi).
Từ công thức trên, ta tính được giá của ETH = x / y (số lượng USDT/ số lượng ETH).
Vậy nên khi giá ETH tăng thì số lượng ETH trong pool ETH-USDT sẽ giảm xuống. Tương ứng với đó là số lượng USDT sẽ tăng lên.
Giả sử tổng thanh khoản trong pool ETH-USDT là 10.000 USDT và 20 ETH nên lúc này theo công thức x * y = k => x * y= 10000 * 20 = 200000 (1).
Nếu giá 1 ETH tăng lên 2000 USDT tức là x4 so với ban đầu. Lúc này, ta có: 2000 = x/y (2).
Từ (1) và (2) chúng ta có thể tính toán ra được trong pool ETH-USDT sẽ có 20.000 USDT và 10 ETH.
Vì A đã thêm 1,000 USDT và 2 ETH giá 500 USDT nên A là đang góp 10% thanh khoản pool này.
Vậy tính tới thời điểm ETH lên 2000 USDT thì anh A sẽ có 1 ETH và 2.000 USDT tương đương với 4000 USDT.
Trong khi đó B thì vẫn giữ nguyên và số lượng ban đầu 2 ETH và 1000 USDT và giờ đã có giá trị tương đương với 5000 USDT.
Ở đây chúng ta thấy được được anh A kém anh B 1000 USDT mặc dù ban đầu cả hai cùng sở hữu một lượng tương đương nhau.
Sự tổn thất của anh A so với anh B còn được gọi là Impermanent Loss.
Đọc thêm: Hướng dẫn farm và stake C98 trên Pancakeswap từ A-Z
Cách tính toán Impermanent Loss
Ta có thể tính toán Impermanent Loss bằng nhiều công cụ các khác nhau.
Bạn có thể tìm trên Google với từ khóa Impermanent Loss Calculator hoặc có thể tham khảo theo cách dưới đây.
Bước 1: Truy cập vào trang chủ Coinmarketcap tại đây.
Bước 2: Click vào mục “Yield Farming”.
Bước 3: Click vào mục “Impermanent Loss Calculator” và điền các thông số cần thiết.
Cách giảm thiểu rủi ro về Impermanent Loss
Dưới đây là những cách giúp mọi người có thể giảm thiểu rủi ro về Impermanent Loss khi tham gia cung cấp thanh khoản:
-
Chọn những loại tài sản có cùng xu hướng
Như đã đề cập ở trên, Impermanent Loss xảy ra khi hai loại tài sản mà mọi người bỏ vào pool có sự biến động không đồng đều với nhau.
Thế nên, bạn có thể chọn cặp coin hay token có thanh khoản lớn và có cùng xu hướng với nhau như CAKE/BNB, ETH/UNI,… thì sẽ giảm thiểu phần nào Impermanent Loss.
-
Kiên nhẫn chờ đến khi tỷ lệ pool trở lại ban đầu
Bởi vì đây chỉ là khoản lỗ nhất thời trong từng thời điểm, và sẽ thay đổi dựa vào giá cả của các đồng coin đó trên thị trường.
Quay lại với ví dụ bên trên, nếu A kiên nhẫn đợi đến khi giá của ETH về lại 500$ thì khoản lỗ của A sẽ trở về 0$.
Tuy nhiên, rất khó đoán trước được tương lai, có thể giá ETH sẽ không trở về 500$ nữa thì khoản lỗ tạm thời của A sẽ trở thành vĩnh viễn.
-
Chọn những pool có dao động thấp
Nếu là một nhà đầu tư an toàn thì bạn có thể lựa chọn những pool thanh khoản có sự biến động thấp như USDT/DAI, BUSD/DAI,… Đây đều là những stablecoin, thế nên có sự dao động cực kỳ thấp và tránh được Impermanent Loss một cách hiệu quả.
Đi kèm với đó là phần trăm lợi nhuận mà pool này mang lại sẽ thấp hơn rất nhiều nếu như so với những pool thanh khoản khác.
Vì vậy nếu bạn muốn bảo vệ tài sản của mình một cách tối đa thì có thể cân nhắc việc tham gia vào những pool thanh khoản này.
-
Chọn những pool có phần trăm lợi nhuận “khủng”
Trong trường hợp bạn là một nhà đầu tư ưa thích sự mạo hiểm thì có thể chọn phương án tấn công thay vì phòng thủ. Chẳng hạn, bạn có thể chọn những pool mang tới lợi suất lớn và chấp nhận việc xảy ra Impermanent Loss cao.
Điểm mấu chốt ở đây đó chính là, sau khi lấy lợi nhuận “khủng” đạt được trừ đi chi phí mà Impermanent Loss gây ra thì tài khoản của bạn vẫn là con số dương.
Chú ý: Nếu như chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức thì không nên chọn cách này.
Tổng kết
Việc xác định cũng như phòng ngừa Impermanent Loss là điều vô cùng quan trọng khi bạn muốn tối ưu hóa lợi nhuận khi tham gia cung cấp thanh khoản trên các sàn AMM.
Hy vọng thông qua bài viết này, mọi người đã có cái nhìn rõ ràng hơn về thuật ngữ mới này để từ đó ra các quyết định đầu tư hợp lý.
Cảm ơn mọi người đã theo dõi bài viết. Xin chào và hẹn gặp lại!