Ngân hàng Trung ương Nga đã từ chối đề xuất cho phép sử dụng tiền điện tử với mục đích trốn tránh lệnh trừng phạt của quốc tế.
Cơ quan quản lý tiền tệ này tin rằng đây khó có thể là một lựa chọn vì các nhà quản lý phương Tây đã thực hiện các bước để ngăn chặn các giao dịch tiền điện tử.
Trong một tuyên bố mới đây của Phó thống của Ngân hàng Trung ương Nga Ksenia Yudaeva cho biết không thể sử dụng tiền điện tử để vượt qua các hạn chế tài chính được áp đặt trong cuộc xung đột quân sự ở Ukraine.
Anton Gorelkin, một nhà lập pháp của Nga, đã gợi ý rằng các doanh nghiệp Nga nên được phép thực hiện thanh toán bằng tiền kỹ thuật số, bao gồm cả thanh toán với các đối tác nước ngoài. Ông cho rằng việc thiết lập cơ sở hạ tầng tiền điện tử trong nước để đối phó với các lệnh trừng phạt do phương Tây đưa ra là không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, các quan chức Ngân hàng Trung ương lại cho rằng “việc chuyển một lượng lớn tiền bằng tiền điện tử của các doanh nghiệp Nga sẽ không khả thi” vì chắc chắn phương Tây sẽ tìm cách ngăn chặn các giao dịch tiền điện tử như vậy.
Theo hãng thông tấn RIA Novosti, các cơ quan quản lý ở EU, Mỹ, Anh, Nhật Bản và Singapore đã bắt đầu triển khai các biện pháp ngăn chặn việc Nga sử dụng tiền điện tử để tránh lệnh trừng phạt.
Cho đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Trung ương Nga vẫn không muốn sử dụng tiền điện tử. Vào tháng 1, cơ quan tài chính này đã đề xuất một lệnh cấm toàn diện đối với các hoạt động liên quan đến tiền điện tử trong nước, và cho rằng “các loại tiền kỹ thuật số phi tập trung như bitcoin không thể được sử dụng trong thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ”.